Lịch sử La Bố Lâm Khải

La Bố Lâm Khải của Đạt Lai Lạt Ma được xây dựng sau khi Cung điện Potala khoảng 100 năm. Công trình được xây dựng trên khu vực có diện tích 36 hecta (89 mẫu Anh), cách không xa về phía tây của Potala. Đây là nơi ở mùa hè của các đời Đạt Lai Lạt Ma. Tenzin Gyatso, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã ở đây trước khi ông lưu vong qua Ấn Độ.[9] Cung điện và công viên bắt đầu xây dựng bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 7 từ năm 1755 và hoàn thành vào năm 1783, dưới thời của Jampel Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 8.[10] Cung điện bắt đầu trở thành nơi ở mùa hè khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 7 sử dụng nơi này trong những tháng ngày mùa hè để chữa trị các vấn đề về sức khỏe. Triều đại Nhà Thanh cho phép Đức Đạt Lai Lạt Ma xây dựng một cung điện tại đây để nghỉ ngơi. Vì các Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp cũng đã từng ở đây học tập (trước khi kế nhiệm) và khu nghỉ dưỡng mùa hè nên nó được biết đến như là Cung điện mùa hè của các Đạt Lai Lạt Ma.[5]

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 8 chịu trách nhiệm cho nhiều bổ sung cho khu phức hợp La Bố Lâm Khải trở thành cung điện và khu vườn. Tuy nhiên, một số thông tin cho rằng vị Đạt Lai Lạt Ma này đã chết trẻ một cách bí ẩn và được phỏng đoán là đã bị đầu độc. Nên hầu hết việc mở rộng cung điện như hiện tại là bởi hai vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 và 14.[7]

Chính từ La Bố Lâm Khải là nơi mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trốn lưu vong sang Ấn Độ ngày 17 tháng 3 năm 1959. Ông ăn mặc như một người Tây Tạng bình thường để tránh khỏi sự truy bắt của chính phủ Trung Quốc, mang theo một khẩu súng trường trên vai rời cung điện để đến Ấn Độ xin tị nạn. Và khi đó có một cơn gió bụi thổi đến giúp ông không bị phát hiện ra. Theo Reuters, Đức Đạt Lai Lạt Ma và các nhà lãnh đạo khác, những người cũng đã trốn thoát khỏi cung điện, chạy ra khỏi thành phố trên lưng ngựa để đi đến Ấn Độ. Người Trung Quốc phát hiện ra "cuộc trốn thoát vĩ đại" này chỉ hai ngày sau đó. Cả nhóm đi qua dãy Himalaya trong hai tuần, và cuối cùng vượt qua biên giới Ấn Độ, nơi họ được tiếp nhận tị nạn chính trị.[11] Cung điện sau đó bị những người biểu tình bao vây trước sự tấn công của người Trung Quốc.[11][12][13]

Nơi ở mùa hè của Đức Đạt Lai Lạt Ma nằm trong công viên La Bố Lâm Khải hiện là một điểm thu hút khách du lịch. Tại đây có một bộ sưu tập lớn đèn chùm phong cách Ý, bức bích họa Ajanta, thảm Tây Tạng cùng nhiều hiện vật khác. Bức tranh của Đức Phật và Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 được nhìn thấy trong một số phòng. Còn các phòng thiền, phòng ngủ, phòng tắm, hội nghị nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 sinh hoạt và làm việc được đặt kèm chú thích cho khách du lịch.[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: La Bố Lâm Khải http://www.cultural-china.com/chinaWH/html/en/Scen... http://www.tibettours.com/norbulingka.html http://www.travelchinaguide.com/attraction/tibet/l... http://whc.unesco.org/en/news/143 https://books.google.com/books?id=VrMcNDdB5-MC&pg=... https://books.google.com/books?id=WWjMMS7dHc0C&pg=... https://books.google.com/books?id=n_WNBLU660AC&pg=... https://books.google.com/books?id=s_7WkbZAaWEC&pg=... https://books.google.com/books?id=z9sUxJ19rWEC&pg=... https://www.reuters.com/article/idUSTRE51Q4OB20090...